Ảo ảnh – truyện ngắn của Y Nguyên

ẢO ẢNH

 Truyện ngắn của Y NGUYÊN

          Từng giọt cà phê chảy chậm, khắc khoải. Người đàn ông cúi người, soi mặt vào đáy cốc, soi mặt vào lớp váng sữa trắng ngà; cái màu trắng cứ mỗi lúc bị hoen dần, ố dần bởi những giọt thời gian đen sẫm. Anh đang tìm kiếm, tìm kiếm một điều gì đó – có thực và không thực. Một điều gì đó từa tựa như ảo ảnh; một thứ ảo ảnh vừa ngọt ngào, vừa cay đắng, nhưng lại có vị thơm tho, quyến rũ đến chết người. Nàng cũng có làn da trắng, cái màu trắng mịn màng như váng sữa. Một làn da được chăm sóc kĩ càng bởi các thứ xà phòng, kem dưỡng, sữa tắm cao cấp của Lux, của Pond’s, của Hazeline. Nàng rất ý thức việc gìn giữ giá trị của mình – giá trị của một người đàn bà đẹp. Chuyện này thì anh khá thô vụng. Đi bên nàng, anh không thể phân biệt nổi mùi nước hoa thoang thoảng từ mái tóc, từ bờ vai của nàng là Eau de Colone hay Eau de Parfum. Nhìn bộ váy nàng mặc, anh cũng điếc đặc, không nhận ra là hàng Soie Pháp hay lụa Thượng Hải. Chẳng thế mà nàng cứ luôn mồm gọi anh là “người ngoài hành tinh”, là “công dân kỉ… Jura” và một loạt hình dung từ cổ quái khác. Thế đấy, một thằng đàn ông tứ thời bát tiết vận những chiếc áo hàng “sida” thổ tả, quần Jean bạc phếch, đi giày nhựa đục lỗ không vớ với mái tóc rối bù như tổ quạ gặp cơn giông. Bộ dạng anh đủ sức làm mất vía bất cứ công dân lương thiện nào khi lỡ gặp nhau trên đường vắng, trong ánh chiều chạng vạng. Vậy mà, kì cục, nàng cứ ca cẩm, chế giễu không tiếc lời cái bộ dạng tiền sử, nhưng vẫn đi chơi với anh, mặc kệ những gã đàn ông mày râu nhẵn nhụi, áo quần đúng mốt. Hỏi, nàng trả lời, khinh bạc: Em chán cái bọn thơm tho lắm rồi. Em muốn đổi món… Anh bật cười ha hả: Hèn chi, dạo này cá ngừ đại dương lên giá…. Ơ… anh có bị… tâm thần không đấy? Tự dưng chuyện nọ xọ chuyện kia…. Không. Ý anh muốn nói là… nhân loại đang chán cá ám, cá chiên. Giống như em, họ thèm xơi… cá sống! Này, anh đừng… xuyên tạc nhá! Anh thèm xơi cá sống thì có! Không. Anh thuộc lớp người… tiền sử. Anh khoái “cá chín” – như em chẳng hạn…. Đột ngột, anh vòng tay ôm cứng lấy nàng. Nàng giãy giụa, vừa đấm thùm thụp, vừa dọa: Anh liệu hồn. Em cho anh “leo cây” bây giờ…

          Hình như lời hăm dọa đang có nguy cơ biến thành sự thật. Đã hơn mười giờ sáng. Nàng không đến, chắc thế. Nàng đang cho anh “leo cây”, một cái cây cao vọi, để anh có thể ngồi vắt vẻo trên đọt tha hồ mà chờ đợi, tha hồ mà suy nghĩ bâng quơ. Những ý nghĩ lộn xộn, không đầu không đuôi cứ đua nhau diễu qua bộ nhớ anh một cách rối rắm, bất chợt…

          … Anh thấy mình đang vẽ chân dung nàng. Mái tóc đổ dài như thác, thẳng băng, góc cạnh hình khối. Khuôn mặt nằm ngang; đôi mắt mở to, cháy bỏng khát vọng hướng lên trời – nơi có một vì sao xa đang lấp lánh màu xanh. Thân thể nàng – phần thân thể với đầy đủ những trang sức đắt tiền, những áo quần đúng mốt – đang đứng giữa đám đông. Một đám đông được tạo nên bởi hình bóng lờ mờ của những người đàn ông lịch sự, của những người đàn bà đỏm dáng. Nhìn qua, đúng là thân thể nàng; nhưng hình như không phải của nàng. Có điều gì giống như sự trì trệ, mục ruỗng đằng sau những đường cong vô cảm, đằng sau tấm thân bất động. Tấm thân được nối liền với đầu, không phải bằng chiếc cổ 3 ngấn trắng ngần, mà bằng một đoạn xích sắt. Đoạn xích đang căng cứng. Những mắt xích run lên, tưởng chừng muốn đứt rời; nhưng vẫn không chịu lìa, ngoan cố – như muốn khẳng định chủ quyền, hay minh chứng cho một qui luật bất di bất dịch nào đó. Bức tranh được đặt tiêu đề: “Khát vọng”. Anh vẽ nó như gã mù đi trong cơn say. Và khi tỉnh mộng, ấn tượng về nó khủng khiếp đến nỗi anh phải dấu biệt, không dám cho nàng ghé mắt. Anh vẽ nàng, nhưng cũng có thể anh vẽ chính mình – hoặc anh đang vẽ cả hai. Dù sao, tất cả những điều đó cũng không có gì quan trọng. Điều quan trọng là anh đã vẽ một sự thật. Anh đã mổ xẻ, moi móc, dàn trải sự thật lên khung vải. Ấn tượng về một sự thật trần trụi bao giờ cũng khủng khiếp; khủng khiếp hơn nhiều so với thứ sự thật được đánh bóng, tô hồng mà con người từng biết. Để đối diện, chịu đựng được chính mình, con người còn là một sinh thể quá yếu đuối, mong manh. Nàng là một phụ nữ đầy cá tính; nhưng cá tính mạnh mẽ ấy vẫn chưa thể giúp nàng đủ can đảm tự banh da, xẻ thịt mình. Con người vốn cả thẹn. con người thích mặc quần áo. Không ai muốn mình bị lột truồng, trưng cái lõa lồ ra trước bàn dân thiên hạ. Lõa lồ về thân xác còn đỡ; lõa lồ về tâm hồn mới thật kinh khủng. Xét trên bình diện đó, nghệ thuật quả là một tội ác. Anh, bản thân anh, chẳng thích thú gì chuyện lột truồng mình ra trước công chúng; sao anh lại đi lột truồng nàng? Anh điên tiết bẻ vụn số cọ dự trữ, vứt vào sọt rác. Còn bức tranh, anh không đủ can đảm rạch nát; anh đành dời đến một góc tối, quay mặt tranh vào tường, phủ lên 3 lần vải. Bóng tối vốn bao dung. Bóng tối sẽ bảo vệ, chở che con người khỏi sự xoi mói vào những khoảng trời riêng tư. Trong bóng tối, con người có thể tìm được những giấc mơ; những giấc mơ về một thế giới đẹp đẽ, vượt lên khỏi những ti tiện, dung tục, tầm thường – như nỗi khao khát trong đôi mắt nàng hướng lên vì sao xanh…

          Điếu thuốc cháy vào đến kẽ tay, rơi xuống bàn khúc tàn tro trắng dài ngoẵng. Ngón trỏ và ngón giữa anh bỏng rát. Anh vứt mạnh mẩu thuốc, dùng mũi giày gí nát, rồi đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn sang bên kia đường. Đang giờ tan sở. Đường phố ngược xuôi, tấp nập đủ loại người, xe cộ. Vẫn những người đàn ông lịch sự, những người đàn bà đỏm dáng; những con “cá chín” như anh thường gọi. Nhưng nàng, con “cá chín” của anh, nàng vẫn mất hút, không thấy tăm hơi

*

          Từng giọt cà phê chảy chậm, khắc khoải. Màu đen đã hoàn toàn phủ kín mặt váng sữa. Màu đen mịt mùng, thăm thẳm như đôi mắt đen của nàng. Anh soi mình vào đáy cốc, và chợt nhận ra – sau làn nước – sóng sánh một khuôn mặt. Một khuôn mặt nhếch nhác, bụi đời với khóe miệng chua chát, với đôi mắt trũng sâu và hàng ria lởm chởm lâu ngày chưa cạo. Một khuôn mặt trông quen, quen đến phát chán. Anh bực bội cựa mình, đầu gối đụng khẽ vào thành bàn. Tách cà phê rung rinh; mảnh gương đen chao nhẹ. Cái hình hài trong gương lập tức trở nên méo mó, dị dạng, lạ hoắc. Anh bật cười, cười bâng quơ trước bộ dạng không thật của chính mình. Nàng không quan tâm tìm hiểu về anh; nhưng nàng vẫn thích hỏi – những câu hỏi oái oăm – đại loại: “Anh là cái gì? Anh từ đâu tới?”; để được nghe anh trả lời – tỉnh queo: “Anh là… ảo ảnh thời tiền sử. Anh đến từ… kỉ Jura”. Nàng phá lên cười. Anh cũng bật cười, nhưng thâm tâm vẫn cho đó là chuyện đùa. Anh tin vào sự hiện hữu của anh; anh tin vào sự hiện hữu của nàng; cũng giống như anh tin sự gắn bó giữa anh và nàng là một điều hoàn toàn có thật. Thế giới muốn tồn tại, con người muốn tồn tại cần phải có niềm tin. Niềm tin cũng cần thiết như thức ăn, nước uống hay khí trời để thở. Nàng đã hứa sẽ đến; vậy thì không có lí do gì để nàng không đến – cũng như không có lí do gì để anh không đợi chờ. Anh đưa muỗng khuấy nhẹ li cà phê sữa. Cái hỗn hợp đen – trắng dần biến màu thành một chất lỏng nâu, sền sệt đồng nhất. Không cần cho đá, anh nâng li, hớp một ngụm. Chút vị ngọt ngào pha lẫn đăng đắng làm tê đầu lưỡi. Vị đợi chờ cũng gần giống thế. Anh ngửa người, đốt điếu thuốc – điếu thuốc cuối cùng trong bao. Xung quanh anh, vương vãi đầy những mẩu tàn thuốc bẹp dí. Nàng vẫn thường phàn nàn anh về chuyện hút thuốc nhiều – như ống khói tàu lửa. Nàng phản đối bằng cách nhăn mặt, cáu kỉnh, hoặc lừa giật điếu thuốc ra khỏi tay anh, bẻ vụn. Anh phản đối chiếu lệ; nhưng thâm tâm, anh thầm cảm ơn nàng. Cuộc đời sẽ bớt chông chênh nếu có một chút ràng buộc. Chứ như bây giờ, không có nàng bên cạnh, anh thấy mình quá tự do. Chẳng có gì quí hơn sự tự do; nhưng đôi khi, tự do lại trở thành nỗi ám ảnh. Như lúc này chẳng hạn; anh đang mong muốn mình được cầm tù – cầm tù trong đôi mắt nàng, trong vòng tay nàng, sẵn sàng chiều theo những ý thích – đôi lúc khá ngược ngạo – của nàng hơn là được tự do; kiểu tự do nhìn đồng hồ, tự do đốt thuốc, hay tự do đắm chìm trong nỗi đợi chờ gần như vô vọng. Trong cuộc chơi tình ái, nàng biết rõ uy lực của mình, và nàng tận dụng trọn vẹn uy lực đó để biến anh thành một kẻ thảm bại. Anh mặc nhiên chấp nhận; chấp nhận với niềm hứng thú, pha lẫn chút bực mình. Làm một kẻ thảm bại thì bực thật. Nhưng dù sao, kẻ thảm bại hạnh phúc vẫn còn hơn người chiến thắng đau khổ. Anh không có cao vọng làm người hùng. Một người hùng không có tình yêu thì muôn đời vẫn chỉ là người hùng cô đơn. Không có gì gặm nhấm, tàn phá con người bằng nỗi cô đơn. Con người nguyên thủy đã sống có bầy đàn. Con người hiện đại cũng thế. Chỉ có bậc thánh mới chịu nổi sự cô đơn. Nhưng anh, anh không phải là thánh. Vậy thì anh cần có nàng. Anh cần tình yêu của nàng. Anh sẽ đợi nàng, đợi cho đến khi nào nàng đến. Anh thật sự tin rằng: nếu hôm nay nàng không đến, thì ngày mai, ngày kia…. Nhất định nàng phải đến.

*

          Anh nhớ mình đã từng đọc đâu đó một câu chuyện về những giấc mơ. Có những giấc mơ không thực; nhưng có những giấc mơ lại biến thành sự thực. Đó là một phạm trù trực giác. Anh tin vào trực giác, tin vào những giấc mơ biến thành sự thực. Nếu giấc mơ không thành sự thực, thì những tác phẩm của anh chính là sự thực – một sự thực bắt nguồn từ những giấc mơ, được chứng minh bằng những đường nét, màu sắc hiện hữu rành rành trên khung vải. Đức Phật dạy rằng: cuộc sống là một thực tại ảo. Vạn vật chỉ tồn tại nhờ vào ý thức – giống như không có khái niệm về ánh sáng đối với kẻ mù, không có khái niệm về màu sắc đối với loài rắn. Suy diễn từ quan điểm đó, có thể hiểu rằng: niềm tin sẽ cứu vãn thế giới. Niềm tin chính là cơ sở cho cuộc đời tồn tại. Vậy thì – sao anh lại không có quyền tin vào những giấc mơ. Giấc mơ được nuôi dưỡng bằng niềm tin chính là sự thật. Nàng cũng là một giấc mơ. Không riêng nàng, có lẽ cả anh, cả tình yêu của hai người, thậm chí cả cuộc đời hiện tại, có khi cũng chỉ là giấc mơ. Nhưng đối với anh, nó là sự thật. Nó tồn tại bởi anh tin vào nó.

          … Anh chợt nghĩ đến những bức tranh của mình. Hành trình nghệ thuật của anh giống như một hành trình bản năng. Anh không bao giờ có thể hội nhập vào dòng chảy định hướng. Anh vẽ và vẽ – lơ mơ như kẻ mộng du. Người ta bảo: tranh tức là người. Tác phẩm của anh đưa vào phòng triển lãm trông cũng cô độc, dị dạng như một gã mán rừng trót lạc chân vào thành phố. Biết làm sao được; anh cũng là một gã mán rừng – hay “người tiền sử” như nàng thường gọi; một con người tiền sử có những cung cách sống, những niềm xác tín cũng mang đầy dấu ấn… tiền sử. Không “tiền sử” sao được, khi anh có thể gạt phăng một hợp đồng vẽ quảng cáo đáng giá vài triệu, để hì hục vẽ chân dung thằng bạn nghèo chỉ đủ sức thù lao anh bằng bữa rượu không mồi. Bầu bạn mắng: Ngu như bò! Anh cười khì: Chúng mày chưa làm… bò – sao biết bò ngu? Vậy… mày là bò chắc? Ừ, lúc mới sinh tao… bò – và bây giờ vẫn bò…. Chúng giơ hai tay lên trời, lắc đầu: Đồ điên, hết thuốc chữa…. Nói vậy, cả bọn vẫn kéo nhau đi nhậu. Bí tỉ xong, mỗi thằng góp nhóp đâu được vài chục nghìn dúi cho anh, kèm câu răn đe: Chúng ông nuôi mày lần cuối cùng đấy! Anh lại cười. Anh nhớ mình đã nghe câu nói này từ cửa miệng chúng không dưới mười lần…

          Với nàng thì khác. Anh không bao giờ ngửa tay nhận tiền của nàng – dù đang đói rã ruột. Có lần, nàng mắng: Sĩ vừa thôi! Rách như tổ đỉa còn làm bộ! Anh phản pháo, cũng tàn nhẫn không kém: Tiền em… ăn hối lộ chắc! Quan chức tép riu như em, nếu sống tử tế, lấy đâu ra tiền giúp người khác? Ừ, em… ăn hối lộ đấy! Thì đã sao? Hay anh chê tiền em… bẩn? Anh cười xòa. Anh muốn bảo nàng: không có đồng tiền bẩn; chỉ có con người bẩn thôi. Nhưng anh kịp dừng lại. Anh sợ mình đi quá đà. Anh nửa đùa, nửa thật: Nói chơi vậy, nhưng anh là… người tiền sử. Người tiền sử có nguyên tắc… không nhận tiền phụ nữ! Nàng nhét tiền vào túi, dằn dỗi: Kệ anh! Cho chết! Không sao. Anh chưa chết đâu. Anh tin mình còn sống lâu…. Vậy anh sống bằng gì? Ảo ảnh chắc? Không. Anh sống bằng… cá. Cá gì? Cá… chín. Nàng bật cười, đấm vào vai anh: Ê, đừng có nịnh. Ai mà thèm…. Anh thèm…. Anh ôm lấy nàng, thở hổn hển. Môi anh háo hức tìm kiếm môi nàng. Đột ngột, nàng xô anh ra, giọng tức giận: Anh cứ việc một mình nuôi ảo ảnh. Em không tin ảo ảnh. Em không thèm; anh nhớ chưa. Không thèm, không thèm…

*

          Li cà phê cạn sạch. Mười hai giờ. Người khách cuối cùng đã rời khỏi quán. Anh xô ghế, toan đứng dậy. Thằng bé con bán vé số tiến lại, chìa tay: Chú mua giùm cháu…. Anh xua tay, lắc đầu. Đôi mắt nó chợt tối sẫm, buồn tênh. Nhìn xấp vé số còn dày cộm trên tay đứa bé, anh chợt ái ngại. Lục lọi túi quần, anh móc hai nghìn bạc còn sót lại: Cho chú một vé.

          Thằng bé chìa tấm vé. Như mọi lần, anh lắc đầu, định nói: Tặng cháu. Nhưng anh chợt lưỡng lự, rồi nhận lấy, gập đôi, đút vào túi. Thêm một chút niềm tin cũng tốt – cho dù là mong manh. Anh rời khỏi quán lúc mười hai giờ năm phút. Anh biết mình đã có thể bắt đầu làm việc; chí ít là từ giờ cho đến sáng mai – đến lúc mà anh lại phải ra quán để đợi nàng.

          Một chiếc xe hơi vừa vụt qua, cuốn theo đám bụi mù. Sau lần cửa kính, loáng thoáng bóng một phụ nữ. Người đàn bà có mái tóc của nàng, khuôn mặt của nàng. Anh lơ đãng nhìn theo, rồi lắc đầu. Không, không phải. Đó chỉ là một ảo ảnh. Ảo ảnh tạo nên bởi thuốc lá, cà phê và cái nóng hầm hập buổi trưa. Ngày mai, khi nàng đến, anh sẽ kể nàng nghe về ảo ảnh thoáng qua ấy. Chắc nàng sẽ cười phá lên. Anh hình dung đến chuỗi âm thanh trong veo, lả tả như muôn nghìn tia nắng rớt – và anh cũng cười…

 

Y.N