SỰ SỐNG
LÊ KHÁNH MAI
Mẹ tôi vốn có thể chất khỏe mạnh, hầu như không ốm đau nằm viện bao giờ, vậy mà, đến tuổi 87 bỗng nhiên mẹ mắc bênh hiểm nghèo, sự sống chỉ còn tính từng giờ, từng phút. Tôi chăm sóc mẹ ở bệnh viện tại phòng bệnh nặng, rất đông bệnh nhân cùng chung căn bệnh kinh hoàng do thảm họa ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn và vô vàn những nguyên nhân khác gây nên. Không khí trong phòng bệnh ngột ngạt, căng thẳng, bao phủ một màu u ám. Những tiếng kêu đau đớn. Những cơn thở hắt mệt mỏi, lo âu, tuyệt vọng. Những ánh mắt đờ đẫn vô hồn. Những thứ mùi không thể gọi tên bốc lên nồng nặc, tù đọng, pha trộn: mùi cồn, mùi thuốc, mùi máu, mùi đờm giãi, mùi da thịt phân hủy, mùi chất thải từ những cơ thể bệnh tật, suy kiệt. Các giường bệnh kê sát nhau, người chăm bệnh chỉ có thể đứng, hoặc ngồi trên chiếc ghế đẩu, thần sắc ai cũng phờ phạc, tả tơi. Ban đêm cảnh tượng càng hãi hùng hơn. Dưới ánh điện lờ mờ trắng đục, những người bệnh nằm còng queo như những cái xác. Đêm chính là miếng đất màu mỡ cho những chùm rễ ung thư hả hê dự tiệc. Chúng lan rộng, ăn sâu, cào cấu, đục đẽo trong cốt tủy. Những tiếng rên la không ngớt, khi âm ỉ, lúc cao trào của con bệnh như những mũi dùi nhọn hoắt xoáy vào cân não, khoan cắt vào đêm sâu, ám ảnh một địa ngục giữa trần gian.
Đêm nào cũng vậy, khoảng 22 giờ tôi lại gọi 1 ly café đậm đặc. Tôi không được phép ngủ quên, dù chỉ một phút. Mẹ tôi có thể ra đi bất cứ lúc nào. Mẹ đã tới hồi nguy kịch, những cơn đau càng dữ dội, dồn dập hơn. Mẹ thều thào “Con ơi, mẹ đau quá, cho mẹ chết”. Tôi chạy vào phòng trực cấp cứu xin 1 viên thuốc giảm đau, nhưng cô y tá nói, mẹ đã uống rồi, thuốc giảm đau không được quá liều. Tôi ôm mẹ vào lòng. Ôi mẹ đây ư, một người đàn bà nhan sắc với thân hình thon thả ngày nào, giờ chỉ còn là nhúm xương nằm gọn trong vòng tay tôi. Chỗ bầu vú mẹ, ngày thơ bé tôi rúc tìm hơi ấm và dòng sữa ngọt ngào, giờ chỉ còn những chiếc xương hình giẻ quạt trồi lên khô khốc. Mẹ đưa những ngón gầy run rẩy lần tìm nơi bám víu. Tôi khom lưng áp sát ngực tôi vào ngực mẹ, trào dâng một nỗi yêu thương, xót xa, cay đắng. Tôi truyền sự sống của tôi sang mẹ, cảm nhận được nhịp thở của mẹ đã êm hơn. Mấy chục năm trong đời, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có lúc tôi bồng bế mẹ, như ngày xưa mẹ bồng bế hát ru tôi.
Nhớ hôm mẹ tỉnh lại sau ca mổ, mẹ cười rất tươi. Mẹ giục mấy chị em tôi mua quà và kèm theo 1 phong bì tiền đến nhà riêng cám ơn bác sĩ. Chúng tôi đã làm theo lời mẹ, nhưng bác sĩ kiên quyết từ chối và khuyên, khi nào mẹ lành vết mổ thì đưa về nhà, mẹ muốn ăn gì cho mẹ ăn, tuổi già, bệnh nặng, khó qua được. Chúng tôi hiểu bệnh của mẹ, nhưng thực lòng muốn cám ơn bác sĩ vì đó là ý nguyện của mẹ. Hôm sau bác sĩ đến giường bệnh, cầm tay mẹ tôi bắt mạch, động viên mẹ tôi đôi lời. Mẹ tôi như được tiếp thêm sức sống, niềm hy vọng. Trong lòng tôi, hình ảnh những người thầy thuốc mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất. Chiếc áo blouse trắng của họ luôn là biểu tượng tinh khiết của tình yêu thương con người và cuộc sống.
Mẹ tôi đã về thiên cổ hơn 7 năm rồi, nhưng những trải nghiệm của tôi về sự sống, về sự vật lộn cam go của kiếp người để tồn tại mãi ám ảnh và thôi thúc tôi tìm kiếm, trân trọng những giá trị làm người. Và tôi sẽ còn viết tiếp…